Tiền trong đời sống kinh tế - xã hội Tiền tệ Đại Việt thời Tây Sơn

Triều đại Tây Sơn tồn tại khá ngắn ngủi (1778-1802), hơn nữa những di sản của triều đại này bị nhà Nguyễn phá hủy rất nhiều, trong đó có các tư liệu về kinh tế đương thời.

Rút kinh nghiệm từ tiền kẽm có chất lượng không tốt thời chúa Nguyễn, các vua nhà Tây Sơn chủ yếu đúc tiền bằng đồng. Tiền kẽm chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu là tiền của vua Thái Đức trong thời gian đầu, khi chính quyền Tây Sơn chưa kiểm soát được miền Bắc vì vùng Thuận HóaQuảng Nam không có mỏ đồng. Nhà Tây Sơn phải thu các đồng tiền bằng đồng của nhà Hậu Lê làm nguyên liệu đúc ra tiền mới, mỏng nhẹ dễ lưu thông, với số lượng lớn[1].

Vua Cảnh Thịnh có đúc những đồng tiền cỡ lớn như tiền Cảnh Hưng nhà Hậu Lê, nhưng ngày nay không có sử liệu nào ghi chép tỷ giá giữa tiền nhỏ và tiền lớn ra sao[2].

Thông thường trong các thời đại phong kiến trước đó, tiền Trung Quốc của các triều đại cùng thời vẫn được đưa sang lưu hành cùng tiền do các hoàng đế Đại Việt đúc. Nhưng tới thời Tây Sơn, các nhà khảo cổ khẳng định đó là lần đầu tiên, tiền Tây Sơn – tiền của một triều đại Đại Việt lưu thông trên lãnh thổ Đại Việt chiếm số lượng áp đảo so với tiền Càn Long và Gia Khánh (các vua Thanh cùng thời)[3][4]. Ngay ở những miền biên viễn như Móng Cái (Quảng Ninh) hay ở hải đảo xa như Vân Hải, tiền Quang TrungCảnh Thịnh cũng được phân bố nhiều và là hiện vật khảo cổ phong phú nhất, dễ kiếm nhất[4]. Điều đó phản ánh chính sách kinh tế của nhà Tây Sơn, luôn đẩy mạnh việc xây dựng nền kinh tế độc lập và giàu mạnh.

Những đồng tiền nhà Tây Sơn về sau bị nhà Nguyễn gọi là "tiền ngụy" (vì nhà Nguyễn lại đúc tiền kẽm dùng chính thức), ngăn cấm sử dụng và tiêu hủy dần. Gia Long cho nhân dân được tiêu tiền nhà Tây Sơn nhưng ra thời hạn cuối cùng là năm 1822 phải chấm dứt[5].

Sang thời Minh Mạng (từ 1820), nhà Nguyễn ra lệnh cho dân chúng đổi 2 đồng tiền Tây Sơn lấy 1 đồng tiền kẽm của nhà Nguyễn, rồi thu hồi hết tiền nhà Tây Sơn, nung chảy để nấu tiền Minh Mạng. Sang năm 1822 do vẫn chưa thu hồi hết, nên triều đình nhà Nguyễn lại gia hạn thêm 1 năm nữa để thu hồi[1]. Tuy nhiên trong những năm sau đó, tiền Tây Sơn vẫn lưu hành trong đời sống kinh tế. Tới năm 1840, vua Minh Mạng tiếp tục phải ban lệnh cấm tiêu tiền của "ngụy Tây Sơn"[6].

Như vậy dù nhà Tây Sơn bị nhà Nguyễn coi là ngụy triều nhưng tiền do triều đại này đúc tiếp tục được lưu hành vào thời Nguyễn với thời gian ít nhất trong 38 năm (1802-1840), còn dài hơn cả thời gian tồn tại của triều đại đã phát hành ra nó (1778-1802)[6]. Hiện tại giới khảo cổ không khó khăn tìm ra những đồng tiền của triều đại này[5].